Giỏ hàng 0

Ngũ giới là gì?

Ngũ giới là năm trọng giới căn bản của Phật tử hay còn gọi là năm điều răn cấm căn bản, bao gồm:

1. Không giết hại.

2. Không trộm cướp.

3. Không tà dâm.

4. Không vọng ngữ.

5. Không uống rượu. 

Ngũ giới là nền tảng của các giới. Vì trong Bát giới, Thập giới, Cụ Giới và Bồ Tát giới cũng có năm giới căn bản ấy.  Một điều cực quan trọng khác của Ngũ giới là Giới Thần: Là các Tôn Thần phát nguyện hộ trì người giữ giới. Mỗi giới có 5 Giới Thần, nên người nào giữ được 5 giới thì có 25 vị Giới Thần ngày đêm theo hộ trì. Hạng ma quỷ tạp nhạp trong thế gian và các loại oan gia trái chủ không thể phá hoại người trì giới.

Trong năm giới trên, bốn giới trước thuộc về tánh giới, một điều uống rượu sau thuộc về tướng giới. Nói tánh giới, vì những giới nầy có liên quan đến tâm tánh: Như người phạm tà dâm tức nhiên trong tâm nặng về ái dục. Người phạm vọng ngữ tất nơi tâm có sự gian dối. Cho nên về tánh giới thì dù người có thọ giới hay không, nếu phạm cũng đều bị sa đọa.

Còn tướng giới là giới thuộc về hình thức phát thệ để ngăn ngừa sự phạm lỗi: Nếu có thọ mà phạm thì đắc tội, không thọ thì không đắc tội. Tuy nhiên, đây là nói người không thọ tửu giới chỉ uống rượu chút ít nên không mang tội phạm giới. Nếu không thọ giới rượu nhưng uống nhiều cũng gây nghiệp và bị sa đọa.

Sự thiết yếu của Ngũ giới

Ðức Phật chế ra giới vốn y cứ trên tâm từ bi, trí huệ và bình đẳng. Mục đích đem lại an vui trật tự cho cá nhân, gia đình, xã hội và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Ngài chỉ đưa ra lẽ phải cùng sự lợi hại, để mỗi người tự chọn lựa lấy, chứ không bắt buộc ai phải triệt để tuân theo. Đây cũng là đặc trưng của Phật giáo: Đức Phật không phải là một đấng uy quyền độc tôn, tự ý giữ phần thưởng phạt.

 

Bởi theo đạo Phật, một hành động, lời nói hoặc ý nghĩ tốt hay xấu, tự nó đã mang theo ảnh hưởng vui khổ, hay phần thưởng phạt rồi. Vì vậy Ðức Phật chỉ là một vị hướng dẫn sáng suốt, còn kết quả vui khổ chính ở nơi người biết chọn đường.

Ngũ giới tuy dường đơn sơ, nhưng nó lại là căn bản của các giới. Nếu người giữ tròn được Ngũ giới sẽ duy trì được thiện căn, không mất thân trời, người.

Khi còn là chúng sanh, ai cũng có sự mê mờ lầm lỗi. Ðể cho hàng Phật tử tránh sự mê lầm ấy, Ðức Thế Tôn tùy mỗi trình độ mà chế ra các giới. “Giới” là những điều răn cấm, mục đích ngăn ác hạnh, đưa chúng sanh đến chỗ an lành. Về Ngũ giới, sau khi quy y Tam bảo, mỗi người Phật tử tại gia đều phải thọ. Nếu chẳng vâng giữ thì nhân phẩm không toàn vẹn, kiếp sau phải mất thân người.

1.Không giết hại

Không giết hại hay không sát sanh là điều răn cấm thứ nhất của Ngũ giới. Đức Phật khuyên chúng ta không được giết hại sanh mạng, từ loài người cho đến loài vật. Phật giáo cấm sát sanh bởi những lý do:

Tôn trọng Phật tánh bình đẳng

Ðức Thế Tôn đã bảo: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Chân tánh đã bình đẳng thì chúng ta không nên cho rằng Phật tánh ở người có giá trị hơn ở vật, ở màu da này, giai cấp này, có giá trị hơn màu da kia, giai cấp kia. Cho nên giết hại một sanh mạng là giết hại một Đức Phật ở tương lai.

Tôn trọng sự công bình

Mọi loài đều biết ham sống sợ chết, trừ gặp cảnh cùng quẫn hay lý do quan trọng khác, nên mới phải quyên sinh. Chúng ta đã xem sanh mạng mình là quý, nếu ai mưu hại thì dùng đủ cách để tự bảo vệ, tại sao lại ỷ khôn mạnh mà giết loài ngu yếu để thỏa lòng căm tức hoặc cầu miếng thơm ngon? Việc mình không muốn lại đem ra đối xử với kẻ khác, loài khác, ấy là mất sự công bình. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, cho đến loài vật, chớ giết, chớ bảo giết.

Nuôi dưỡng lòng từ bi

Ðã là chúng sanh có tình thức thì loài nào cũng biết đau đớn, vui buồn. Một chuyện nhỏ nhặt như khi chúng ta đi lỡ vấp, tự có cảm giác đau đớn, và trong cảnh tử biệt sanh ly ai cũng thương buồn! Thế thì tại sao ta lại nhẫn tâm làm cho kẻ khác hoặc vật khác, trước khi tắt hơi thở phải rên siết trong lệ nóng, quằn quại trong máu đào, và chịu nỗi thương tiếc đau buồn trong cảnh sanh ly tử biệt? Một chút đau đớn chính mình còn khó kham chịu, lại gây cho chúng sanh nỗi thống khổ vô hạn, tức không có lòng từ bi, không xứng đáng là con của Phật.

Tránh nhân quả xấu ác

Khi ta giết một người, tất đã gây mối oán hờn với gia đình quyến thuộc họ. Trong lúc thế cô sức yếu, thân thích nạn nhân chỉ đành ôm hận, nhưng họ vẫn rình rập chờ cơ hội báo thù. Loài vật cũng vậy, nếu có thể báo oán nó không dung tha kẻ giết. Theo kinh Phật, kẻ giết hại lâu ngày thì nghiệp sát càng nặng, sau khi chết phải đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, chịu vô lượng sự khổ. Ðến khi được thân người lại bị nhiều bịnh hoặc chết non. Cho nên càng sát hại, càng tăng thêm nghiệp khổ, mãi xoay vần trong nẻo luân hồi, không biết ngày nào được ra khỏi.

Trái lại, nếu người giữ giới không sát hại hoặc phóng sanh, thì sẽ được những quả báo như sau: Sắc lực đầy đủ, ít hay đau bịnh, thân tâm an ổn, mọi người yêu kính, thọ số lâu dài; Thường hưởng phước vui ở cõi trời hoặc cõi người.

Sự tai hại của sát sanh

Tất cả chúng sanh vì ưa giết hại, nên trong hiện đời bị ác sắc, ác lực, ác danh. Hoặc chết yểu, tài vật hao giảm, quyến thuộc chia lìa, hiền thánh quở trách. Hoặc người không tin dùng, kẻ khác làm tội mà mình mang họa. Ðó là nghiệp quả trong đời hiện tại. Lúc bỏ báo thân lại đọa vào Tam đồ, bị ác sắc, ác lực, ác danh, đói khát. Và chịu nhiều nỗi khổ sở, mạng sống không lâu dài. Ðây là nghiệp quả ở đời sau. Ðến khi được làm người, lại chịu thân bần tiện, cùng khổ, xấu xa, suy bịnh, đoản thọ. Do sức nghiệp ác của đương nhơn, khiến cho ngũ cốc hoa màu bên ngoài bị hao kém, gây ương lụy cho mọi người.

2.Không trộm cướp

Giới thứ hai trong ngũ giới, Đức Phật khuyên chúng ta không nên trộm cướp: Từ vật trọng như châu báu vàng bạc, đến vật mọn như cọng rau, trái ớt, mũi kim… Ðại khái những vật gì người ta không cho mà mình cố lấy, đều thuộc về trộm cướp.

Nếu phân biệt rộng ra, thì trộm cướp có nhiều hình thức như: Lén lút mà lấy. Ỷ bè đảng mạnh giựt ngang. Cậy quyền thế làm tiền kẻ yếu. Nhân lúc người túng ngặt cho vay nặng lời hoặc cầm mua với giá rẻ mạt. Tích trữ đầu cơ để bán chợ đen. Cân non, đong thiếu, trốn thuế, lậu đò, mưu mô lường gạt để lấy của… Tóm lại là: Bất cứ hình thức nào, nếu do lòng gian tham lấy của tư hay công trong trường hợp bất chính, đều thuộc về trộm cướp.

Vì sao Đức Phật cấm trộm cướp

Bởi đối với tài vật sở hữu ta biết tôn trọng giữ gìn, mà trở lại cố chiếm đoạt của người, đó là trái lẽ công bình. Khi ta mất hay vô ý đánh mất một số tiền hoặc vật chi, ta lo buồn ăn ngủ không yên. Vậy tại sao lại đang tâm lấy của người để cho họ phải khóc than, đau khổ. Ðó chính là thiếu lòng từ bi.

Trộm cướp gây cho phạm nhân bị tù tội, bị khinh chê cha mẹ gia đình cũng buồn rầu xấu hổ. Hơn nữa, nếu trộm cướp làm cho người lâm cảnh nghèo khổ hoặc thất chí quyên sinh, thì kẻ gây nhân phải chịu nghiệp báo không nhỏ. Theo kinh Phật, kẻ trộm cướp sẽ bị những ác quả: Nhẹ thì vất vả nghèo hèn. Nặng phải làm Súc sanh để trả nợ, hoặc bị đọa vào Địa ngục. Cho nên vì lẽ công bình, vì lòng từ bi, vì giữ nhân cách, vì tránh ác báo, Ðức Thế Tôn khuyên răn không nên trộm cướp.

Nhân quả của không trộm cướp

Nếu giữ giới không trộm cướp, mà lại có lòng xót thương giúp đỡ bố thí, thì sẽ được mọi người kính yêu. Lòng từ bi và các phẩm lành tăng tiến, tài vật đầy đủ khỏi cảnh nghèo nàn. Thường được sanh lên cõi trời cõi người hưởng phước an vui.

 

Nếu kẻ nào ưa trộm cướp, thì hiện đời bị ác sắc, ác lực, ác danh, tiền của hao giảm, quyến thuộc chia lìa. Hoặc mạng sống ngắn ngủi, người khác mất đồ mình bị nghi ngờ. Hoặc muốn kết thân cũng không ai tin cậy, thường bị hiền thánh quở trách. Ðó là nghiệp quả trong đời hiện tại.

Lúc bỏ báo thân lại đọa vào Tam đồ, bị ác sắc, ác lực, ác danh, đói khát, chịu nhiều nỗi khổ sở, mạng sống không lâu dài. Ðây là nghiệp quả ở đời sau. Ðến khi sanh làm người lại nghèo hèn, tuy được tài vật liền bị hao mất. Cha mẹ anh em vợ con đều không thương mến, thân thường khổ nhọc, tâm hằng buồn lo. Do sức nghiệp ác của đương nhân, khiến cho mọi người khi ăn món chi vào, phần sắc lực cũng kém, gây ương lụy cho vạn dân.

3.Không tà dâm

Tà dâm chẳng phải là cấm hẳn việc nam nữ, mà chỉ ngăn không được ngoại tình. Theo giới điều thứ ba nầy, khi vợ chồng cưới hỏi có đủ lễ gọi là chánh. Ngoài ra lén lút lang chạ làm điều phi hạnh gọi là tà. Nói vi tế hơn, dù vợ chồng chánh thức mà ăn nằm không phải chỗ, gần gũi không chừng mực, cũng thuộc về tà dâm.

Ðức Phật sở dĩ liệt tà dâm là một trong ngũ giới, vì mỗi người ai cũng muốn gia đình mình đầm ấm yên vui, vợ con trinh chánh. Nếu lại đi phá hoại làm nhục nhã cho gia đình kẻ khác, đó là trái lẽ công bình. Kẻ làm tà hạnh chơi bời lả lơi, tất bị mọi người khinh rẻ chê bai, đó là mất phẩm cách. Khi trong nhà chồng hoặc vợ có dạ tà tư thì gia đình ấy không còn hạnh phúc. Bởi chồng vợ không tin nhau, con cái bị xấu hổ, thân thuộc không đoái hoài, sự nghiệp sẽ suy vi.

Kẻ đắm mê sắc dục cũng như người cầm đuốc đi ngược gió, tai họa trở lại chính mình, nếu không hại nước tan nhà thì cũng hư thân mất mạng. Như chúng ta đã thấy trên báo chí hằng ngày, những án mạng và kết quả thảm khốc do sắc dục gây ra, nếu tính lại, không biết bao nhiêu mà kể! Theo trong kinh, những ác quả do tà dục gây ra, nhẹ thì nhiều kiếp vợ con không trinh chánh, gia đình tan rã, nặng tất sẽ bị đọa Tam đồ. Tóm lại, vì trọng lẽ công bình, vì tránh ác báo đời nầy và đời sau, Đức Phật đã răn dạy không nên tà dâm.

Nhân quả của không tà dâm

Nếu giữ giới không tà dâm, thì hiện đời gia đình được hòa thuận an vui, mọi người nể trọng. Đời sau sáu căn đoan nghiêm toàn vẹn, vợ con trinh chánh. Được người kính mến, khỏi sự phiền lụy ưu sầu, như kinh Thập Thiện đã nói.

 

Nếu kẻ nào ưa tà dâm thì khó giữ gìn thân mình cho đến kẻ khác, mọi người trông thấy đều sanh lòng nghi kỵ. Khi làm việc chi trước hay nói dối, tâm thường rối loạn chịu sự khổ não, tài vật hao mất khó tu pháp lành. Lại bị vợ con khinh buồn không còn thương mến, thân thể suy kém mạng sống ngắn ngủi. Ðó là quả báo hiện tại của nghiệp tà dâm.

Lúc bỏ báo thân, lại đọa vào Tam đồ, bị ác sắc, ắc lực, đói khát, chịu nhiều nỗi khổ sở, mạng sống không lâu dài. Ðây là nghiệp quả ở đời sau. Ðến khi được làm người thì hình tướng xấu thô, hay ác khẩu, không ai thích thân thiện, không thể giữ gìn thê thiếp, con trai, con gái. Do sức ác nghiệp của đương nhơn, khiến cho mình và người không được tự tại.

Cập nhật ngày 18/09/2021



Danh mục sản phẩm
icon zalo
icon zalo icon zalo