Giỏ hàng 0

Hạt Cải Vô Thường

Thỏ nhớ có một quãng thời gian cứ khoảng nửa đêm, có hôm gần sáng là màn hình điện thoại lại sáng. Cuộc gọi từ messenger của trang facebook cá nhân. Hôm đầu tuy còn thức nhưng nghĩ đã quá nửa đêm, mà hồi đó nhà Thỏ có 2 quý sư cô ở lại để đi học nên cũng không tiện nghe máy. 

 

Qua tới hôm sau, vẫn từ tài khoản Facebook đó, nhưng cuộc gọi tới 2-3 lần. Thoáng nghĩ, Thỏ đã định bấm tắt máy nhưng bỗng dòng tin nhắn hiện lên: “Em ơi, cứu chị với, chị nghĩ mình không thể sống nổi nữa…”

 

Ngay lập tức, Thỏ gọi lại…

 

Một hồi chuông. Hai hồi chuông. Không có ai nhấc máy. Thỏ bắt đầu lo lắng, trời ơi nếu như vừa rồi mình lỡ chậm không kịp phản hồi để họ làm gì quẩn thì chắc mình ân hận đến hết phần đời còn lại mất…

 

Nghĩ vậy Thỏ lướt nhanh qua tài khoản facebook thì thấy avatar của chị để một màu đen kịt. Thỏ đọc bình luận để hiểu sự mất mát đó là gì và tâm trạng lúc đó thực sự đã buông thõng một cú mạnh. Người mẹ đó vừa mất đi đứa con thân yêu của mình khoảng 2 tuần trước.

 

Thỏ bấm nút gọi một lần nữa.

 

Chị nhấc máy nhưng im lặng

  • - Chị à… Có em ở đây… Chị ổn chứ?

Thỏ chững lại để lắng nghe xem chị có phản hồi gì không.

 

Rồi phía bên kia tiếng khóc từ nhè nhẹ, thút thít, có vẻ như cố kiềm nén rồi trở lên lớn dần. 

 

Thỏ giữ im lặng, và ở phía bên này nước mắt mình cũng đang lăn dài. Giờ đây ngồi gõ lại những dòng này, Thỏ vẫn còn xúc động nhiều lắm, vì cái sự tĩnh mịch lúc ấy của màn đêm xung quanh, và tiếng khóc xé lòng, đau đớn đến quằn quại của người mẹ ấy làm Thỏ có ấn tượng sâu sắc lắm. Tim mình cũng như bị bóp nghẹt, muốn nói ra thành lời gì đó rồi lại lặng im. 

 

Hôm ấy chị khóc rất lâu, mãi một hồi sau khi chị cảm thấy ổn hơn mới nói được với Thỏ mấy chữ: chị xin lỗi Thỏ nhé, nhưng chị chẳng biết gọi cho ai…

 

Thỏ hiểu, và Thỏ cũng rất hối lỗi và tự trách mình nhiều lắm vì Thỏ không nhấc máy kịp. Nếu khi nào chị cần ai đó lắng nghe, hãy cứ gọi cho Thỏ. 

 

Sau khi cúp máy Thỏ để lại một dòng tin nhắn: Chị à, em hiểu và đau cùng nỗi đau của chị. 

 

Kèm theo đó là câu chuyện về Hạt Cải Vô Thường:

 

"Thuở Phật còn tại thế, có một thiếu nữ dáng vẻ mảnh khảnh, ốm yếu, nghèo khổ, sống tại thành Xá Vệ, tên là Kisa (có nghĩa là cô gái ốm yếu). Khi lớn lên, cô cũng có chồng như bao người con gái khác; nhưng bị mọi người bên chồng khinh khi, coi thường, vì cô thuộc giai cấp hạ liệt, thấp kém, ở đợ, làm mướn.

 

Từ khi đứa con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống của cô bắt đầu thay đổi, cô được mọi người bên chồng đối xử tốt đẹp và quý mến hơn. Nhưng bất hạnh thay, chẳng được bao lâu, đứa con của cô qua đời vì cơn bạo bệnh. Đứa con chết làm người con gái ấy gần như điên loạn; dù đau khổ đến tột cùng, cô vẫn hy vọng sẽ có người cứu được đứa con của mình sống lại, nên ôm xác con đi tìm thầy cứu chữa.

 

 

Nhìn cảnh tượng thảm não, thất tha thất thểu lê từng bước chân để tìm thuốc cải tử hoàn sinh cho con mình, mọi người nhìn theo chỉ biết ngậm ngùi, thương tiếc; bởi việc cứu sống đứa trẻ là điều không thể được mà người con gái ấy vẫn nuôi hy vọng.

 

Có người vì quá xót thương, nên đã hướng dẫn cô đến gặp Như Lai Thế Tôn, mong nhờ đức Phật tế độ. Khi đến, cô tha thiết cầu xin Như Lai Thế Tôn cứu sống cho con mình.

 

Biết được nhân duyên sâu xa, đức Phật liền hứa sẽ giúp cô cứu sống đứa trẻ. Nghe vậy, lòng cô dâng trào lên niềm hy vọng vô biên, cô nghĩ con mình chắc chắn được cứu sống.

 

Chờ cho nhân duyên đã chín mùi, đức Phật liền chỉ dạy, “này thiếu nữ, con hãy đến nhà nào chưa từng có người chết xin về đây cho ta vài hạt cải, ta sẽ cứu sống đứa bé cho con".

 

Tin chắc rằng con mình sẽ được cứu sống nếu có được vài hạt cải trong một gia đình không có người chết, cô liền phấn khởi ra đi, trong lòng mừng thầm vô hạn. “Hạt cải nhà nào cũng có”, cô nghĩ như thế, nên sung sướng đến tột cùng, lòng tràn đầy hy vọng, vì trong chốc lát đây, con cô sẽ được cứu sống nhờ những hạt cải nhiệm mầu ấy.

 

Hạt cải thì nhà nào cũng có, nhưng tìm nó trong một gia đình không có người chết thì quả thật là không thể được. Bởi vì sao? Vì nhà nào cũng có người chết.

 

Cô thất tha, thất thểu đi hết làng trên xóm dưới, từ làng này qua xóm nọ, cô đi khắp hang cùng hốc hẻm, nhưng không tìm ra một gia đình nào không có người chết như yêu cầu của Như Lai Thế Tôn.

 

Quá thất vọng và mệt mỏi, cô ngã quỵ bên lề đường, trên tay vẫn còn ôm chặt xác con của mình. Thế là bao nhiêu hy vọng không còn nữa. Cô nhìn con với lòng trìu mến, dù xác đứa bé đã cứng đờ.

 

Lúc này, cảm giác rùng rợn cùng với sự thương tâm phủ đầy trong lòng cô; bỗng nhiên, tâm trí cô loé lên một tia sáng, cô hiểu rằng, trên đời này, ai rồi cũng sẽ chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, đau thương mất mát là một sự thật của kiếp người, yêu thương mà phải xa lìa đó là một nỗi khổ, niềm đau, có hợp phải có tan, đó là định luật nhân duyên quả của cuộc đời.

 

Trong sự đau khổ tột cùng, cô đã nhận ra, có sinh là có chết, ai rồi cũng phải lần lượt như vậy, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi.

 

Từ nhận thức sáng suốt đó, cô không tìm hạt cải nữa, mà đem xác con mình vào rừng Thi Lâm (theo phong tục, tập quán Ấn Độ, xác người chết đem bỏ vào rừng cho thú ăn), rồi thanh thản trở về bạch Phật, “Kính bạch Thế Tôn, con đã tìm ra hạt cải của sự vô thường rồi, con đã đưa xác đứa bé bỏ vào rừng. Bây giờ con cảm thấy trong lòng thoải mái và nhẹ nhõm hơn”.

 

Nhân đó, đức Phật khai thị đạo lý duyên sinh trong cuộc sống cho cô nghe, “trên đời này, có sinh là có tử, yêu thương xa lìa khổ, không có cái gì là cố định cả, tuỳ theo nhân duyên, tuỳ theo điều kiện mà nó đổi thay sớm hay muộn mà thôi”.

 

Ngang đây, cô chứng được quả Dự Lưu, tức đã vào dòng Thánh, từ nay về sau không còn đoạ vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

 

Sau đó, cô phát tâm xin đức Phật cho xuất gia làm Tỳ kheo ni; nhờ luôn siêng năng, tinh tấn tu hành, cuối cùng cô đã chứng quả A-La-Hán.

 

Khổ đau luôn bám víu thân phận con người, khổ đau về vật chất như thiếu cơm ăn, áo mặc, rồi đến cái khổ vì già-bệnh-chết, nên ngày xưa người ta hay cố gắng luyện thuật trường sinh bất tử để sống đời, nhưng có ai không chết bao giờ đâu?"

 

---------------------------------------------

 

Ngày hôm sau Thỏ lại ngồi chờ cuộc gọi của chị. Có vẻ tâm trạng chị đã ổn hơn và chị bắt đầu chia sẻ.

 

Từ giây phút mất đi bạn nhỏ, chị đã thực sự nghĩ mình nên chết đi. Nhiều lần chị có suy nghĩ sẽ gieo mình từ trên cao xuống, thậm chí khi đi đường chị đã nghĩ chỉ cần đánh tay lái sang bên kia đường thôi, và mọi đau đơn sẽ kết thúc. Cứ ngơi đi lúc nào là chị chỉ nghĩ tới cái chết. Những dằn vặt nhớ nhung đứa con bé nhỏ không khi nào dứt, càng lúc càng khiến chị như phát điên. Cuộc sống lúc này trở thành một cái gì đó không thể chịu đựng nổi. Thế nhưng chị lại bị yêu cầu phải gánh vác lấy, phải chịu đựng lấy, điều không thể chịu đựng…

 

Thời gian đầu nhiều người qua lại nhà, chia sẻ với chị, hỏi han, động viên. Nhưng dần ai cũng phải quay trở lại cuộc sống của mình, và dường như nỗi đau chỉ còn một mình chị ghi nhớ, gặm nhấm và tê tái. Sự cô độc trong đau đớn cứ ngày một lớn và dần vượt thoát ra cái vẻ ngoài mạnh mẽ. Chị bắt đầu mặc kệ sự đời, không còn cố che dấu cảm xúc.

 

Thực ra, trong câu chuyện của chị, Thỏ chẳng thể làm được gì, cũng chẳng nói ra được mấy lời an ủi bởi Thỏ biết đối với chị, an ủi sáo rỗng thật chẳng có ý nghĩa gì. Vậy nên thời gian chủ yếu Thỏ dành để lắng nghe, bằng một cái tâm chân thành nhất. 

 

Chị là khách hàng của Thỏ đã từ lâu, và đã từng gặp Thỏ khi còn ở Hàng Giầy, nhưng bẵng đi một thời gian chị bị guồng quay của cuộc sống xô đi nên gần như không có tương tác qua lại. 

 

Rỗi bỗng trên newfeed hiện ra một bài viết từ trang Nhung Thỏ, chị vào đọc hết các bài viết, ngấu nghiến lấy từng chữ và đêm đó chị gọi cho Thỏ.

 

Thực ra, qua tiếp xúc Thỏ biết chị là kiểu phụ nữ mạnh mẽ, nhưng là mạnh mẽ trước mặt người khác. Mà những người như thế, khi đau đớn thường đau hơn người khác rất nhiều, dễ tổn thương và cũng tổn thương rất sâu sắc. Những người này họ ít bộc lộ cảm xúc, nhưng một khi đã chạm đến thì lại mỏng manh hơn người khác rất nhiều.

 

Thỏ đã có đôi lần hẹn gặp chị tại cửa hàng 26 Bà Triệu, lần gần nhất chị đi cùng chồng. Ban đầu, cũng như bao người đàn ông khác, anh có vẻ hơi e dè và không tập trung. Nhưng sau một hồi anh bắt đầu nhìn thẳng vào mắt Thỏ, bị cuốn dần vào những câu chuyện cứ thế tới mãi khuya.

 

Chị đã từng nghĩ anh lạnh lùng, vô tâm, không hiểu chị đau đớn khổ sở vật vã như thế nào. Nhưng qua chia sẻ với Thỏ, chị đã hiểu ra. Không phải ai đau khổ cũng biểu hiện ra bên ngoài, sự nén chặt, gồng lên, tới khóc cũng không thể khóc mới thực sự đáng thương làm sao. 

 

Chúng ta cứ hay động viên người khác rằng phải quên đi nỗi đau để còn sống tiếp. Nhưng thực ra có những người, đối với họ, quên là điều không thể chấp nhận, không thể tha thứ cho bản thân. Họ tự dằn vặt mình, cấu xé tâm can và khi thấy người xung quanh dần lãng quên nỗi đau của họ thì họ sẽ rơi xuống đáy tuyệt vọng…

 

Vì vậy khi hiểu ra, đừng cố khuyên hay nhắc nhở họ hãy quên đi, hãy vui lên mà thay vì như thế chúng ta cùng nhớ và chia sẻ nỗi đau đó với họ. 

 

Nghe thật là kì lạ mọi người nhỉ. Nhưng đúng là như vậy đó ạ. Có những người rất dễ quên, và đó thật sự là một đặc ân của tạo hóa. Bởi có những người, quên đi là điều không thể. Cả cuộc đời cứ phải sống với kí ức, nỗi đau và ám ảnh với cái chết.

 

Mong rằng nếu trong cuộc đời này, có khi nào chúng ta gặp ai đó đau buồn và bi lụy, xin đừng dè bỉu sự yếu đuối đó của họ mà xin hãy thừa nhận và tôn trọng, nếu có thể hãy chia sẻ, dù chỉ bằng sự ở bên, lắng nghe và những ánh mắt yêu thương…

Cập nhật ngày 22/05/2023



icon zalo
icon zalo icon zalo