Cách sám hối tại nhà
Pháp sám hối giúp tiêu trừ nghiệp chướng rất mạnh, là diệu pháp giải thoát sinh tử. Trong Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có nói: “Nếu người tạo trọng tội, biết ăn năn tự trách. Tha thiết sám hối nguyện chẳng phạm lại, có thể bạt trừ các nghiệp tội căn bản”… Còn kinh Kim Quang Minh nói: “Ngàn kiếp tạo ra vô biên tội nghiệp, một phen sám hối liền được thanh tịnh”.
Sám hối là gì?
Sám hối là nhận ra những việc đã làm của mình là sai trái nên sanh tâm ăn năn, hối hận và phát nguyện sau này vĩnh viễn không tái phạm. Có nhiều cách để người ta sám hối, chuộc lại lỗi lầm đã gây ra: Lạy Phật sám hối, Tụng kinh sám hối, niệm Phật sám hối. Hoặc chỉ đơn giản là tự phát tâm sám hối và thề không tái phạm. Phật pháp đặc biệt coi trọng việc phát tâm sám hối, chứ không phải tầm thường như nhiều người nghĩ đâu.
Tuy sám hối vạn tội đều tiêu trừ, nhưng chỉ là khi bạn phát tâm chân thực và thề không tái phạm. Bởi nếu tái phạm, thì tội cũ cộng mới tăng bị tăng nặng thêm ngàn lần. Tại sao thế? Vì đã biết sai mà còn cố tình vi phạm vậy.
Vì sao chúng ta nên sám hối
Nhiều người bảo tôi sống thiện lương, chẳng hại người. Tôi cũng chẳng cướp đoạt gì của ai, nào có tội gì mà cần sám hối? Không phải vậy đâu! Thực ra mỗi ngày, chúng ta tự tạo vô biên tội lỗi mà chẳng biết đấy thôi. Chính vì không biết rằng: “Suy nghĩ xấu ác trong tâm ta, một ngày tạo nên vô lượng tội. Nên trong vô hình, phước lộc bị tiêu trừ, tuổi thọ tổn giảm. Rồi bệnh tật lâm thân, khiến cuộc sống chẳng bao giờ an ổn”.
Bạn có để ý không: Khi mắt thấy cô hàng xóm hở hang, tâm ta đã khởi lên muôn điều xằng bậy. Tai nghe một điều không tốt về mình, chưa biết đúng hay sai. Tâm ta đã khởi ngàn điều sỉ vả, oán trách… Rồi linh tinh những chuyện bá láp ngoài đường, nào liên quan chi tới ta đâu. Vậy mà tâm tự khởi bao phán xét đúng sai, trừng phạt, thù hận…?
Chưa cần tính đến tội lỗi trong vô lượng kiếp đến nay. Chỉ nội trong một ngày thôi, cái tâm lăng xăng của ta tạo nhiều tội như thế đấy! An Sĩ Toàn Thư chép lại câu chuyện có thật về ông Vệ Trọng Đạt, rất đáng để chúng ta suy ngẫm:
Tội nặng hay nhẹ
Thời Minh, Vệ Trọng Đạt là một quan chức Hàn Lâm viện. Một hôm tự thấy mình bị bắt đưa đến âm ty. Diêm chúa sai thư lại trình lên những ghi chép thiện ác của Trọng Đạt đã làm ở dương gian. Khi so sánh thì thấy những ghi chép xấu ác quá nhiều, bày ra choáng đầy cả sân. Còn việc thiện thì quá ít, chỉ được ghi trên một mảnh lụa cuộn tròn lại nhỏ như chiếc đũa.
Diêm chúa sai đặt tất cả lên hai bên đòn cân để so sánh nặng nhẹ. Hóa ra hết thảy những ghi chép xấu ác bày ra đầy sân kia, lại nhẹ hơn cuộn giấy lụa ghi việc thiện cuộn lại chỉ nhỏ như chiếc đũa. Trọng Đạt thưa hỏi: “Tôi năm nay chưa đến 40 tuổi, sao có thể nhiều việc xấu ác đến như thế?”
Diêm chúa đáp: “Một niệm tà vạy khởi lên đã là xấu ác, không đợi đến lúc ông thực sự làm.”
Nhân đó, Trọng Đạt lại hỏi xem trong cuộn giấy lụa kia ghi chép những gì. Diêm chúa đáp: “Triều đình trước đây huy động rất nhiều dân công tu sửa cầu đá ở Tam Sơn. Ông có dâng sớ can ngăn việc ấy, trong đó ghi lại bản sớ của ông.”
Trọng Đạt thắc mắc: “Tuy tôi có can ngăn thật, nhưng triều đình không nghe theo thì việc ấy nào có ích lợi gì. Làm sao lại có tác dụng mạnh mẽ hơn tất cả những điều xấu ác như vậy?”
Diêm chúa đáp: “Triều đình tuy không nghe theo việc ấy. Nhưng một ý niệm của ông khởi lên vốn đã là vì lo lắng cho tất cả muôn dân nên được như vậy. Ví như triều đình chịu nghe theo ông thì tác dụng của việc thiện ấy lại càng mạnh mẽ hơn thế nữa.”
Cho nên, nếu tâm niệm hướng về khắp cả muôn người thì dù việc thiện nhỏ cũng thành lớn lao. Nếu chỉ riêng lo cho bản thân mình, tuy có làm nhiều việc thiện cũng chỉ xem là nhỏ nhặt.
Trong Kinh Địa Tạng, Bồ Tát dạy: “Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề không có điều gì chẳng phải là tội lỗi. Huống nữa là những kẻ buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ trăm điều tội lỗi”. Đây chính là lý do tại sao chúng ta luôn cần sám hối!
Cách sám hối tại nhà dễ thực hành chứ không khó như nhiều người lầm tưởng. Chỉ cần bạn phát tâm chân thật, còn thì Hồng danh sám hối. Lạy Phật sám hối. Niệm Phật sám hối. Trì chú sám hối hay tụng Kinh sám hối, công dụng lẫn phước đức đều như nhau. Bạn tùy theo sở nguyện của mình mà thực hành. Lại ai cũng có thể sám hối được. Dù bạn là Phật tử hay không phải Phật tử, khi phát tâm sám hối công đức đều bình đẳng như nhau.
Cách sám hối tại nhà
Thực ra, nếu chẳng phải phạm vào tội “Ngũ nghịch”. Khi bạn chân thực phát tâm sám hối và nguyện không bao giờ tái phạm, sống cuộc đời thiện lương. Thì vạn tội lỗi đã gây tạo trong kiếp sống này, trong vô hình đều đã được trừ bỏ. Tuy vậy, hầu hết chúng ta đều là phàm phu, tham sân si đầy rẫy. Không phải một sớm một chiều mà tâm ý có thể thanh tịnh được.
Lại ác nghiệp đã tạo từ vô lượng kiếp đến nay là không thể tính đếm. Nên thường sám hối sẽ nhờ Phật lực gia trì mà tiêu tai chướng nghiệp, tăng trưởng Bồ đề. Sống bình an, chết vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi!
Dù phát chân tâm sám hối là quan trọng nhất, nhưng cũng nên cần nghi thức sám hối trang nghiêm. Mục đích là để đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của bạn: Sống thiện lương, đoạn hết việc ác, chỉ nghĩ thiện và hành thiện.