Khi cây muốn lặng, nhưng gió thì mãi không ngừng...
Vua Ajatshatru từng rất trăn trở, Ngài là một vị vua, vì thế dù thấm nhuần giáo lý nhà Phật, luôn hành động với tâm từ bi nhưng khi quần thần và chúng sanh có tội hoặc khi có giặc tới cướp phá… thì liệu khi nhà vua có những biện pháp trừng phạt kẻ có tội hoặc đem quân đi đánh giặc có bị coi là tội hay không? Có phải sát sanh hay không? Như vậy thì có phải đi ngược lại giáo lý của Phật đã dạy hay không?
Đem nỗi niềm đến bạch hỏi Phật, nhà vua đã được nghe một câu chuyện như thế này, em Thỏ thuật lại sơ lược cho mọi người nghe:
Có một con rắn độc sống gần ngôi làng nọ, nó thường xuyên cắn người và khiến họ mất mạng. Người trong thôn vô cùng lo sợ, không ai dám đến gần gốc cây có rắn độc ở.
Một ngày nọ có vị tỳ kheo đi ngang qua, đến ngồi nghỉ dưới gốc cây. Rắn độc bò ra định cắn thầy nhưng thấy sắc mặt của thầy tỳ kheo vẫn điềm nhiên, an lạc và từ bi khiến nó cảm thấy rất kinh ngạc.
Thầy tỳ kheo dùng diệu âm của mình nói với nó rằng: khi con cắn người điều đó sẽ gây tổn thương cho họ, khiến họ vô cùng đau đớn, thậm chí là mất mạng. Bỗng đó con rắn khởi tâm từ bi, nó quyết định sẽ không hại người, không bao giờ cắn người nữa.
Khi thấy rắn độc không còn cắn người, người dân trong thôn dần không còn sợ nó nữa. Họ bắt đầu trêu trọc, dùng chân đạp vào đuôi nó. Nhưng tuyệt nhiên nó không làm tổn thương ai. Đám trẻ con ném đá vào nó, nó cũng không hề muốn báo thù. Đói khát và đau đớn khiến rắn độc kiệt sức. Đêm đến nó chỉ nuốt vài hạt sỏi nằm thoi thóp. Ban ngày thì lại bị công kíc khiến con rắn đã bị thương rất nặng
Một ngày kia vị tỳ kheo nọ lại tới, khi nhìn tình cảnh đó đã vô cùng đau lòng. Lúc đắp thuốc cho nó vị tỳ kheo liền hỏi: tại sao con lại rơi vào cảnh ngộ như này kia chứ?
Con rắn trả lời: con đã lãnh ngộ được lý đạo nên không cắn người nữa.
Thầy tỳ kheo liền cười và nói: “Ta bảo con tử bỏ bản tính hung hăng, tổn thương người khác nhưng con lại làm mất bản tính tự vệ của chính mình. Con không cắn người thì cũng phải khè lưỡi để mà dọa họ sợ chứ…
Bất cứ sự thái quá nào trong hành vi, dù là không sát sanh cũng đều biến thành bạo lực. Người có tội phải bị trừng phạt đúng theo tội thì họ sẽ kiêng sợ con, tuy nhiên không để thù riêng hận cũ chi phối sự phán quyết. Người phạm tội bị trừng phạt vì tội lỗi và ác nghiệp họ gây ra.”
Khi tà ác thắng thế nhân tính sẽ không tồn tại… Vì vậy, đôi khi, phải có sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ cố tình không muốn yên ổn.
Tuy nhiên, như Đức Phật đã dạy, điều quan trọng là đều phải bắt nguồn từ tâm từ bi, trừng phạt đúng với tội chứ không thù oán, vậy nên, chỉ cần cho ta bình yên, ta sẽ vẫn lành như ngọn cỏ…